Hội thi thể thao cấp thành phố sẽ diễn ra trong 30 phút nữa.
Tôi đại diện huyện tham gia thi đấu ở nội dung cầu lông nữ, là đương kim vô địch nên áp lực cũng không nhỏ.
Năm nay thí sinh tham gia có phần đông hơn và tổ chức cũng hoành tráng hơn năm ngoái rất nhiều.
Loay hoay tìm lối vào nhà thi đấu, tôi thay đồ xong thì lại bị lạc.
Người đông sảnh lớn khiến đầu óc tôi choáng váng, chưa kịp định hình.
Bản thân lại không hay nói chuyện hay tiếp xúc với người lạ khiến lời chưa kịp nói cũng chỉ đành nuốt vào trong.
Nhìn thấy gần cầu thang có tấm bảng kính hướng dẫn, tôi lập tức đi đến.
Đưa mắt nhìn chằm chằm vào thông tin chi chít chữ, tôi dừng lại tại nơi đề mục “ Nhà thi đấu đa năng “
Cố gắng nhớ rõ hướng dẫn, chân cũng chuẩn bị cất bước.
Dòng người từ đằng sau lần lượt kéo đến, chắc là cổ động viên.
Không khí náo nhiệt và ồn ào nhưng tôi lại chẳng cảm thấy ghét điều đó, ngược lại còn có phần mong chờ.
Mong chờ được cổ vũ, mong chờ được chiến đấu hết mình vì tấm huy chương vàng quý giá.
Chân vừa vặn đặt xuống một nấc thang, từ sau có người huých mạnh vào lưng làm tôi chao đảo.
Hụt chân tôi té xuống phía dưới khi dòng người vẫn cứ tiếp tục tiến về trước.
Không kịp suy nghĩ tôi chống tay xuống tránh mặt va vào nền gạch , một cảm giác tê tê chuyển dần sang đau nhức.
Tôi ôm lấy cổ tay đang đau âm ỉ , toàn thân kêu lên , nước mắt cũng không kiềm được mà chảy xuống.
“ Có người ngã xuống rồi “
Tiếng la thất thanh tập trung sự chú ý của những người có mặt ở đó , họ chạy lại xem xét tình hình rồi đưa tôi vào bệnh viện.
Cơn đau khiến tôi chẳng thể làm được gì , đầu cũng chẳng có lấy một suy nghĩ. Chỉ nằm đó chịu đựng đến khi xe cấp cứu đến.
Thầy Lâm - huấn luyện viên của tôi luôn túc trực ngoài phòng bệnh, lo lắng đứng ngồi không yên.
Tôi đau đến ngất đi trên đường được đưa đến đây, khi tỉnh lại đã thấy bản thân nằm trên giường bệnh.
Phòng bệnh khoảng bốn năm người. Có người lớn , có người nhỏ và cũng có người trạc tuổi tôi.
Tiếng quạt máy gắn trên trần khẽ phát ra âm thanh , cả căn phòng yên tĩnh , cơ thể chỉ cần chuyển mình nhẹ cũng có thể ê nhức.
Tôi cứ nằm đó với đôi mắt đẫm nước , tự trách bản thân quá sơ suất. Bao nhiêu công sức luyện tập đã đổ sông đổ bể, bao nhiêu là thời gian và tâm huyết.
“ Cạch “ tiếng mở cửa vang lên, thầy Lâm bước vào, tay còn cầm thêm một giỏ trái cây nhỏ.
Khuôn mặt thầy mệt mỏi đi trông thấy, khó nói thành lời.
Thầy đưa mắt an ủi nhìn tôi nhưng sự buồn bã trong đôi mắt đó khiến tôi lo sợ, không phải vì sự vắng mặt của tôi trong hội thi lần này.
Mà là một lí do khác.
“ Tay em còn đau không ? “
“ Thầy có đem nho mà em thích đến này “
Giọng thầy khác hẳn với mọi lần , những khi dù buồn cũng chẳng bao giờ nói chuyện bằng giọng điệu này.
Cái chất giọng đầy tiếc nuối , không đành lòng của người huấn luyện viên đang ngồi ngay bên cạnh, đã phần nào báo trước cho tôi biết sắp có chuyện chẳng lành.
Thấy thầy chẳng đề cập đến tình hình sức khỏe của tôi, nuốt nước mắt vào trong tôi lên tiếng :
“ Thầy ơi “
“ Em còn có thể…thi đấu được không ? “
Run rẩy , lo sợ phải nghe câu trả lời mà chính mình không mong muốn, lòng ngực hồi hộp đến khó thở.
Huấn luyện viên Lâm từ tốn gỡ từng nút thắc một, điềm tĩnh nói chuyện cùng cô học trò nhỏ :
“ Chấn thương của em khá nghiêm trọng, lại ngay phần cánh tay chủ lực “
“ Nếu em chuyên tâm tập phục hồi chức năng….cũng không thể được sao ? “
“ Đến khi hồi phục cũng khó mà có thể tiếp tục “
“ Nếu em kiên quyết muốn thi đấu, chỉ là tự làm khó bản thân. Phần cổ tay nếu cử động quá mạnh sẽ lại tiếp tục gây ra chấn thương, e là lần sau đến vợt cũng không cầm vững “
Chuyện ngoài ý muốn này đã như làm thay đổi cả cuộc đời tôi.
Nó phá huỷ đi tương lai mà tôi luôn ao ước.
Một ước mơ, một lòng nhiệt huyết và một con người cứ thế tan thành mây khói.
.
Ngày 25 tháng 10 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Gia đình tôi chuyển từ Hà Nội về đây cũng được hơn 3 tháng.
Tôi cũng dần quen thuộc với từng con đường và môi trường học tập mới.
Cái nắng chiều rọi qua lớp lá mỏng, xanh mướt và mềm mại. Không khí mát mẻ pha chút lạnh khiến người tôi cũng khẽ run lên.
Nhi Khánh đi bên cạnh cứ luyên thuyên những câu chuyện cười vô tri, tươi cười kể lại với giọng điệu hài hước.
“ Hôm nay trong tiết Toán, tao giấu cặp của thằng Nguyên làm nó tìm cả buổi..”
“ Trông nó mắc cười lắm, cứ loay hoay chẳng biết tìm sách vở ở đâu “
Bước từng bước, tôi im lặng lắng nghe rồi ngắm phố phường nhộn nhịp. Đôi lúc lại quay sang góp vui bằng vài điệu cười, làm động lực cho Khánh kể.
Hà Nhi Khánh là hàng xóm gần nhà tôi và là bạn học cùng lớp.
Khi vừa chuyển đến đây chưa lâu, Khánh phụ giúp nhà tôi bưng bê và lau dọn, rảnh rỗi lại dắt tôi đi tham quan chỗ này chỗ kia nên dần thành thân.
Khánh - tên rất giống với tên con trai nhưng thực chất là một cô gái xinh xắn, hoạt bát.
Với mái tóc buộc cao, làn da trắng hồng cùng chiếc má bánh bao và đôi mắt to tròn khiến Khánh trông giống một đứa con nít.
Đoạn đường từ trường về nhà tràn ngập tiếng nói cười, đôi bạn thân thiết khoác tay, sự thoải mái cứ thế kéo dài đến tận khi về nhà.
Khánh đưa tôi về đến trước cổng thì cũng liền nhanh chóng rời đi. Chỉ có tôi là vẫn còn đứng trước cửa nhà chưa dám vào.
Giờ này chắc bố và dì tôi đã về, có thể là đang chờ tôi cùng dùng cơm.
Thở “ hắt “ một hơi tôi mở cửa đi vào nhà, đèn đã được bật sáng, có tiếng Tivi đang phát chương trình truyền hình nào đó, còn người ngồi xem trên ghế là dì tôi.
Đặt giày ngay ngắn lên kệ, tôi cất tiếng chào hỏi :
“ Thưa dì con mới về “
Người phụ nữ trung niên nghe thấy tiếng chào vọng vào liền quay đầu nhìn sang, mỉm cười hiền dịu :
“ Hy à ? Về rồi hả con “
“ Con mau lên tắm rửa rồi xuống ăn cơm “
Tôi cười như không, gật đầu khẽ “ vâng “ sau đó nhanh chóng đi về phòng.
Mối quan hệ giữa tôi và người vợ mới này của bố cũng không quá gay gắt nhưng cũng chưa quá thân thiết.
Mẹ tôi mất khi tôi học lớp 6 đến nay cũng đã hơn 5 năm.
Dì Lệ là bạn học cũ của bố và giờ là vợ của ông ấy.
Tôi không quá để tâm đến việc bố tôi đi thêm bước nữa vì tôi biết bố tôi cần người tài giỏi hơn tôi để quản lí sự nghiệp của ông ấy.
Hơn ai hết, bố tôi mong có một cậu con trai kháu khỉnh, đầy triển vọng và có một tương lai tiếp nối sự nghiệp thành công của bố hơn là đứa con gái lầm lì như tôi.
Làn nước nóng bao trọn cả cơ thể, tôi chìm vào dòng suy nghĩ bâng quơ rồi lại sực tỉnh.
Khuôn mặt còn lấm tấm nước, tôi lau khô người, mặc quần áo xong liền đi xuống lầu.
Ngồi vào bàn, trong bầu không khí gia đình ngột ngạt.
Vẫn như mọi khi chỉ im lặng chịu sự thất vọng mà bố gắn lên tôi, bát cơm ăn cũng chẳng thấy ngon miệng :
“ Thành tích học tập của con càng ngày càng tệ nhỉ ? “
“ Có biết chỗ học thêm bố tìm cho con mắc thế nào không hả ? “
“ …… “
Hương thơm của cơm trắng ngửi thì thấy rất ngon miệng nhưng sao ăn vào lại có vị đắng đắng, ngay đầu lưỡi.
Có lẽ việc chê trách tôi đã trở thành thói quen trong mỗi bữa cơm của bố.
Không biết kể từ lúc chuyển đến đây đã có lúc nào được một bữa ăn bình thường.
Tôi cứ cố cho cơm vào trong miệng, ép bản thân nuốt xuống, chỉ mong ăn nhanh một chút để sớm thoát khỏi màn tra khảo này.
Trên bàn ăn mỗi người một sắc mặt, không khí dần chùn xuống. Dì Lệ nhỏ giọng khuyên giải, ánh mắt dì dịu dàng nhìn tôi :
“ Anh đừng cứ suốt ngày mắng con bé “
“ Chuyện học tập không phải một hai hôm là sẽ giỏi. Anh đi làm cả ngày đều mệt, con bé đi học cả ngày cũng không khá hơn anh là bao. “
“ Đừng áp đặt con bé nhiều quá, để nó ăn một bữa cơm tự tế “
Tay dì không ngừng gắp thức ăn vào bát tôi, mỉm cười hoà giải bầu không khí bức bối này nhưng làm sao đây nhìn thức ăn trên bàn, tôi lại chẳng nuốt nổi.
Bố tôi ngồi đó với gương mặt không hài lòng, đôi lông mày nhíu lại nhưng đã ngưng không nói đến tôi nữa.
Thật sự mà nói cái gọi là gia đình ở đây có lẽ chỉ cần tồn tại hai người.
Riêng tôi lại dư thừa được “ ban “ cho cái danh con gái trong nhà.
Ranh giới giữa yêu và được yêu tuy không lớn nhưng đủ để một người khiếm thị cũng có thể nhìn thấy.
Bố tôi đã dành hết thẩy sự chiều chuộng, yêu thương cho người vợ thứ hai của ông ấy.
Nếu là mẹ tôi nói như thế, chắc chắn bố sẽ giận lên rồi mắng chửi cả hai mẹ con tôi nhưng đối với người phụ nữ mà bố luôn dành tình yêu, lại dịu dàng đáp ứng theo mọi yêu cầu của người đó.
Lòng tôi chua xót, nếu bố cũng đối xử như thế với mẹ thì có lẽ bà ấy đã không phải ra đi trong đau khổ như vậy.
Khoé mắt tôi cay cay, gát đũa tôi xin phép đi về phòng, bỏ lại không gian đầy bức bối ở sau lưng.
Coi như tạo cơ hội cho vợ chồng họ ân ái.
Đồng hồ tích tắc đã hơn 11 giờ đêm, những bài nói tiếng anh được phát đi phát lại nhiều lần đến mức nhàm chán.
Căn phòng vẫn còn sáng đèn, tiếng loạt xoạt của mặt giấy tiếp xúc với nhau, tôi uể oải ngồi làm bài tập về nhà.
Đã xong hơn một nửa bài ở lớp chính nhưng bài ở lớp học thêm thì vẫn còn khá nhiều, bản thân chỉ có thể cố ngồi ngay ngắn làm cho hết.
Mí mắt nặng trĩu, cơn buồn ngủ không chút thông báo mà ập đến. Tôi mệt mỏi vươn vai, lấy tỉnh táo.
Phía ngoài cửa sổ, đèn những nhà xung quanh đã tắt gần hết.
Trời ít sao, ít mây, gió cứ từng đợt đập vào cửa kính.
Vươn tay tắt tiếng video, tôi gác số bài tập còn lại vào sáng mai.
Nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ trên chiếc bàn đầy những tờ công thức tính toán.
Coi như kết thúc một ngày dài đắm mình vào nhiệm vụ của người bố nghiêm khắc.
.
Khi đồng hồ báo thức còn chưa báo reo, tôi đã choàng tỉnh trong cơn mê ngủ.
Vẫn như mọi khi, 4 giờ sáng là khoảng thời gian cố định mà tôi phải thức dậy.
Sau khi vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tôi không chần chừ thêm liền lao vào chiến đấu với mớ bài tập còn dang dở.
Kiến thức tôi tiếp thu được ở lớp còn nằm ở mức cơ bản, đầu óc tôi lại không thông minh, vừa nghe xong đã quên nên bản thân chỉ có thể cố gắng làm nhiều bài, nhiều đề để tăng khả năng ghi nhớ.
Cũng xem như chứng minh cho bố thấy rằng bố không lãng phí tiền của ở một đứa như tôi.
Còn sớm nên phía bên ngoài vẫn còn một màu đen, độ ẩm trong không khí đang ở mức khá cao, lá cây cũng lao xao chuyển động trong bầu trời gió nhẹ.
Tôi yên tĩnh ngồi làm bài đến khi trời sáng hẳn, đại khái đã xong gần hết. Liền nhanh chóng sửa soạn thay quần áo.
Hôm nay Khánh và tôi có hẹn cùng đi ăn sáng ở quán phở gần trường.
Nhìn thấy đã sắp đến giờ hẹn, tôi sắp xếp lại sách giấy trên bàn xong liền rời phòng.
Chiếc móc khoá có gắn chuông nhỏ, leng keng phát ra tiếng khắp hành lang đường đi.
Bố và dì tôi đang cùng ngồi ăn sáng, thấy tôi đi xuống dì Lệ liền mở lời kêu vào bàn :
“ Hy vào ăn sáng đi con “
Không có đủ tinh thần để ngồi ăn cùng họ, tôi bình tĩnh đưa lí do và từ chối vào ăn :
“ Con có hẹn Khánh cùng ăn sáng rồi ạ “
“ Thưa bố, thưa dì con đi. “
Ngưng cắt lát bánh mì, bố tôi ngước nhìn bằng ánh mắt sắt lạnh, giọng nói trầm đi vài phần :
“ Học cho đàng hoàng “
Tôi không đáp chỉ gật đầu, nhanh chân mang giày rồi bước ra khỏi nhà.
Nếu còn ở lại một giây thì chắc bố tôi sẽ lại bắt đầu bài ca sáng sớm của mình.
Ngày hôm qua không mưa nhưng đường lại xuất hiện thêm vài trũng nước, lá ven vỉa hè cũng có chút nhiều hơn.
Tôi xốc cặp, bon chen đi ngang qua từng gánh hàng rong. Nào là tàu hũ nóng, xôi ngũ sắc còn có cả súp cua,…
Tôi bắt gặp Khánh đang đứng cùng dòng người đợi chuyến xe buýt, nhỏ cúi đầu cặm cụi chỉnh lại cái áo khoác nhăn nhúm.
“ Khánh “. Tôi cất tiếng gọi.
Ngưng hành động đang làm, Khánh ngẩng đầu tìm hướng phát ra âm thanh.
Cái đầu nhỏ lắc qua lại tìm người, rồi chợt dán mắt vào tôi, Khánh nheo mắt cười.
Cánh tay vươn ra, ngoắc tôi lại đó : “ Xe sắp tới rồi, nhanh lại đây. “
Không lâu sau chuyến xe số 22 cũng đậu bến, hai người bọn tôi xuất phát đến trường.
Giờ vào học là 7 giờ 15 mà hiện tại còn 20 phút nữa mới đến 7 giờ. Còn khá dư dả để có thể ngồi ăn sáng.
Ghé vào tiệm phở với bảng hiệu cũ, Khánh tấm tắc khen ngon vì đã có ăn thử vài lần nên nay quyết định giới thiệu cho tôi.
Tuy bên ngoài trông khá cũ kĩ, lớp sơn đã bong tróc, phai đi bớt màu nhưng phía bên trong lại rất gọn gàng và sạch sẽ.
Thật sự trái ngược với vẻ bề ngoài.
Khánh tự hào khoe với tôi về trải nghiệm đồ ăn và chiến tích ăn được hai tô phở của nhỏ :
“ Ngon nhất ở đây chắc chắn là phở tái bò viên. Lần trước tao ăn không chê vào đâu được. “
“ Ừm vậy gọi đi “.
Tôi tin tưởng vào khẩu vị của Khánh, liền đồng ý ăn theo đề cử của cô bạn.
Lúc mới chuyển đến đây mấy hôm, trong một lần dẫn tôi đi dạo, Khánh cũng nhiệt tình giới thiệu cho tôi chỗ bán ngon, tránh mấy chỗ dở nên tôi không hề phản đối gu ăn uống của Khánh.
Thuần thục kêu ra hai bát phở, mùi thơm nứt. Cho gia vị vào xong thì cũng bắt đầu ăn.
Mùi vị cũng không tệ.
Vừa ăn vừa nói về mấy câu chuyện thường ngày, chuyện ở lớp đến chuyện ở nhà.
Du Nguyên và vài người trong lớp cũng ghé qua ăn ở đây, đang đứng gọi món thì nhìn thấy người quen.
Mắt cậu ta sáng lên như săn được kho báu :
“ Ô hố. Trời ơi ai đây ta “
“ Nhi Khánh mày cũng ăn ở đây hả ? “
Nghe đến tên quen thuộc, cả tôi và Khánh đều ngừng đũa, ngước mắt nhìn Nguyên đang đứng gần quầy tính tiền.
Nhưng không chỉ có tôi với Khánh mà hầu như ai có mặt ở quán đều nhìn Nguyên.
Cậu ta la lên, múa mây rồi lại cười lớn, dù không muốn cũng phải tò mò mà nhìn cậu học sinh khác người.
Nhi Khánh cau mày, đáp lại Nguyên với giọng đanh đá :
“ Mày giả bộ không quen tao được không ? “
“ Sao đấy ? “
“ Mắc công người ta đánh giá tao, nói tao đẹp mà chơi với đứa khùng. “
Nguyên nghe đến đó thì cốc mạnh vào đầu Khánh, hờn dỗi ra mặt mà quay đi.
Vẻ mặt Du Nguyên uất ức không có chỗ trút, chỉ ngậm ngùi định sà vào lòng Kha Vũ.
Người con trai cao ráo, khuôn mặt góc cạnh cùng đường nét tuấn tú, đưa đôi mắt lạnh nhìn Nguyên phũ phàng :
“ Tránh ra. Mày làm vẻ mặt đó cho ai xem chứ. “
“ Đến mày cũng xa lánh tao hả ? “
Thế là Nguyên hậm hực đi đến cái bàn trống khuất trong góc, khoanh tay với vẻ mặt bực bội, cậu ta như đứa nhóc bị tổn thương cần được mẹ dỗ.
Nhóm bọn họ đi khá đông tầm 5-6 người, vay kín cả bàn lớn.
Âm lượng khi nói chuyện cũng chẳng nhỏ nên thành ra những lời bọn họ thốt lên cả hai người chúng tôi đều nghe rất rõ.
Khiêm vừa lấy điện thoại từ trong balo, vừa cất giọng cười trêu chọc Vũ :
“ Tối qua Vy vừa nhắn hỏi tao có đi ăn cùng thằng Vũ không để dắt nhỏ theo “
“ Mày trả lời như nào ? “. Du Nguyên đang ăn nhưng vẫn không quên thắc mắc.
“ Tao kêu là có “. Khiêm thản nhiên đáp.
“ Rồi giờ nhỏ đó đâu. Bịp à ? “.
Cậu bạn nghiêng đầu, suy nghĩ gì đó rồi giải thích :
“ Thằng Vũ đòi phá chuỗi của tao nếu tao dẫn nhỏ đó theo, tao cũng đành chịu “
Nguyên tặc lưỡi, cau mày huých vai Vũ : “ Nhỏ Vy lớp A2 mặt thì xinh, da thì trắng, chân thì dài, mà mày còn chê à ? “
“ Học không giỏi “. Vũ ăn xong liền ngẩng đầu, tay vuốt mái tóc, giọng điệu chẳng có chút nghiêm túc.
Tôi cũng nghe loáng thoáng việc Đỗ Kha Vũ - học cùng lớp với tôi được nhiều người để ý, với thành tích người theo đuổi trải đều theo 3 khối.
Tích cách cậu ta không tốt cũng không tệ, không hay giúp đỡ người khác, cũng không hay nói chuyện phiếm.
Thường trong lớp ngồi cách tôi một dãy tổ nên cũng chưa từng nói chuyện lần nào.
Trước ánh mắt ngạc nhiên của mấy đứa con trai đang ngồi cùng bàn, ai cũng cho là mẫu người yêu của Vũ có tiêu chuẩn quá cao và phi lí.
Làm gì có ai hoàn hảo đến như vậy.
Nguyên cau mày chất vấn cậu thanh niên lạnh lùng ngồi đối diện, tay còn nghịch điện thoại :
“ Lần trước em Hoa lớp 10C1 đòi làm quen thì mày bảo học được, mặt tạm nhưng không chơi thể thao nên mày không thích “
“ Đến chị Quỳnh thì mày lại kêu chơi thể thao được, học được mà không xinh “
“ Trong khi mấy người đó ai cũng từng ít nhất là hoa khôi của khối thậm chí của trường. Mắt thẩm mĩ của mày khác người quá đó “
Vũ bình thản gãi tai, tỏ vẻ không nghe những lời Nguyên và đám bạn đang bàn tán sôi nổi.
Chỉ chăm chăm vào trò chơi điện tử trong màn hình.
Khánh ngồi nghịch bịch khăn giấy gấu trúc mà tôi mang theo, chán nản chống cằm đợi tôi ăn.
Khánh đã ăn xong từ lâu nhưng phải ngồi chờ tôi, sẵn tiện hóng chút chuyện.
Thấy cô bạn im lặng một lúc lâu, tôi nghi hoặc hỏi nhỏ :
“ Nghĩ gì vậy ? “
Khẽ giật mình, Khánh lắp bắp hỏi lại : “ Hả….Mày nói gì ? “
Tôi khẽ cười trước sự luống cuống của nhỏ, chầm chậm lên tiếng :
“ Hỏi mày nghĩ gì mà tập trung quá vậy ? “
“ À…Chẳng qua là thấy hơi buồn cười vì độ ảo tưởng của một số người thôi “
Tôi không chắc câu nói của Nhi Khánh nhằm vào ai nhưng ý nghĩ của câu nói đó cũng cho tôi biết rằng nhỏ đang không vui, nét mặt đã đanh lại ít nhiều.
Hãy là người bình luận đầu tiên
Nguyệt Truyện hoan nghênh các tác giả, dịch giả, nhóm dịch và các fanpage đăng truyện lên website của chúng tôi. Mọi chi tiết về nhuận bút, kiếm tiền và các thỏa thuận khác vui lòng nhắn tin trực tiếp đếnfanpage Facebook Nguyệt Truyệnhoặc email nguyettruyennet@gmail.com