Tôi còn cẩn thận hỏi ý kiến bác sĩ, hỏi rằng tình trạng này nên xử lý ra sao.
Bác sĩ nhìn tôi một cái, rồi trả lời: “Nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống đủ chất là được.”
Tôi liền chụp lại lời bác sĩ rồi gửi cho mẹ xem, nhưng bà không trả lời. Vậy nên tôi tiếp tục hầm canh gà và nhắc nhở họ phải đi ngủ sớm, cũng như dậy đúng giờ.
Thật ra, ở độ tuổi của họ đâu có dễ ngủ, nhưng không chịu nổi việc nửa đêm cứ có ‘con ma’ gõ cửa mãi như tôi.
Lần đầu tiên trong đời, họ nếm được mùi vị của ‘tra tấn bằng cách tước đoạt giấc ngủ’.
Họ bắt đầu than phiền với hàng xóm, nhưng tôi đã sớm vào vai đứa con hiếu thảo mẫu mực: hết mua thực phẩm chức năng với quần áo, lại mua thêm giày dép cùng đồ ngon đồ bổ mang đến đầy đủ.
Mỗi khi hàng xóm hỏi thăm tình hình của bố mẹ, tôi liền rút ra ảnh chụp chuẩn đoán của bác sĩ cùng hóa đơn mua sắm:
“Bác xem này, chỉ trong một tuần mà cháu đã tiêu hơn chục nghìn tệ rồi.”
“Chỉ vì muốn bố mẹ được ăn đồ tươi, mà đêm nào cháu cũng dậy lúc nửa đêm để hầm canh.”
“Bác sĩ dặn phải nghỉ ngơi điều độ, nên ngày nào cháu cũng đúng giờ giục họ đi ngủ.”
Nói xong, tôi còn dang hai tay ra, làm bộ tủi thân vô cùng: “Bác nói xem, cháu phải làm thế nào thì bố mẹ mới vừa lòng đây?”
Hàng xóm thi nhau giơ ngón tay cái khen ngợi, ai nấy đều nói bố mẹ tôi là kiểu người ‘được voi đòi tiên’.
Ngay cả hàng xóm tầng dưới từng lên gõ cửa phàn nàn, giờ cũng khen ngợi tôi hết lời: “Tôi mà có đứa con gái hiếu thảo như thế, chắc nằm mơ cũng phải cười tỉnh mất rồi.”
Thời gian trôi qua, bất kể bố mẹ tôi nói gì thì cũng chẳng ai tin nữa.
Bởi vì mua sắm là thật và canh gà cũng là thật, còn những lời than vãn thì lại chỉ vang lên sau khi cánh cửa đã đóng kín.
Thật giả lẫn lộn, ai mà phân rõ được?
15.
Vừa về đến nhà, tôi đã thấy chiếc vali của mình bị đặt bên cạnh ghế sofa.
Mẹ tôi vừa khóc vừa nói: “Nhạc Nhạc, mẹ không quản con nữa đâu. Con đừng hành mẹ nữa được không?”
Bà đẩy tôi ra gần cửa, hận không thể tống khứ tôi càng nhanh càng tốt.
Tôi bám chặt lấy khung cửa không nhúc nhích, rồi lớn tiếng kêu lên: “Bố mẹ định đuổi con đi sao? Con làm gì có lỗi với hai người?”
Nghe tiếng ồn, hàng xóm lập tức mở cửa chạy tới xem chuyện gì đang xảy ra.
Những ngày qua, họ đều thấy rõ những màn ‘kịch gia đình’ diễn ra trong nhà tôi. Ai nấy đều cho rằng bố mẹ tôi mới là bên vô lý.
Không ít người đứng ra khuyên nhủ họ: “Chị à, Nhạc Nhạc hiếu thảo với anh chị như thế. Thôi thì chị đừng quá quắt nữa.”
Giống y như hồi nhỏ, mỗi khi tôi kể lể tủi thân với người lớn. Họ cũng dùng đúng những câu như thế để phản bác tôi.
Giờ thì đến lượt bố mẹ tôi bị chỉ trích, sao lại không chịu nổi chứ?
Cả hai mặt mày xám ngoét. Chỉ lắp bắp được vài câu rằng tôi còn trẻ và phải đi làm, không thể trì hoãn được nữa.
Tôi ngồi bệt luôn xuống đất, bắt đầu khóc lớn:
“Mẹ à, mẹ quên rồi sao? Chính mẹ bỏ trứng vào canh khiến con bị dị ứng, làm lỡ mất buổi khám sức khỏe nên công ty cũng không nhận con nữa.”
“Con mất việc rồi đấy, là mẹ làm ra cái chuyện tốt đẹp đó mà mẹ quên rồi à?”
Vừa dứt lời, ánh mắt mọi người đổ dồn về phía bố mẹ tôi lập tức thay đổi.
Còn có cả chuyện này nữa ư? Có cha mẹ nào lại làm ra cái chuyện phá hỏng công việc của con mình như thế?
Cô Trương hàng xóm giật mình hỏi lại: “Cháu có nhầm không đấy? Làm gì có chuyện mẹ hại con, bây giờ xin việc khó lắm mà.”
Tôi khóc ròng, rút điện thoại ra, mở đoạn ghi âm.
Trong đó, giọng mẹ tôi vang lên rõ ràng không thể chối cãi:
“Nó mà không đi khám được thì việc chắc chắn mất.”
“Ừ đúng rồi, con gái thì phải tranh thủ lúc còn trẻ kiếm tiền, già rồi thì chẳng đáng giá nữa đâu…”
Hàng xóm lập tức xôn xao, người người chỉ trích mẹ tôi:
“Chị à, chị làm gì thế? Sao lại nhẫn tâm như vậy với con của mình?”
“Chị làm mẹ mà thế này thì đúng là thất bại thật đấy.”
“Chị cứ bảo có khoảng cách thế hệ, tôi thấy cái ‘khoảng cách’ này là do chị tự đào đấy!”
Lời ra tiếng vào mỗi lúc một nhiều, ánh mắt nhìn mẹ tôi đầy mỉa mai cùng xoi mói.
Mẹ tôi vốn là người sĩ diện, bà luôn được mọi người ca tụng là ‘người mẹ gương mẫu’ trong khu. Nay bị chỉ trích trước mặt bao người, sắc mặt trở lên trắng bệch và suýt nữa thì ngã quỵ tại chỗ.
“Cô… cô nói bậy bạ gì thế!” Bà cố gắng chống chế.
Tôi lập tức nhân cơ hội, rút tin nhắn chứng minh HR đã xóa thông tin liên lạc của tôi. Vừa khóc vừa nói: “Mẹ ơi, con rõ ràng đã được tuyển rồi. Là mẹ làm hỏng buổi khám sức khỏe, khiến con mất việc!”
Mẹ tôi thân mình lảo đảo, trước mắt tối sầm rồi ngã vật xuống sàn không dậy nổi. Cảnh tượng này khiến trước cửa nhà tôi lập tức náo loạn, hàng xóm cuống cuồng gọi 115 và vội vàng cùng đưa bà ấy đi cấp cứu.
16.
Trong phòng làm việc của bác sĩ, một bác sĩ trẻ nhìn chằm chằm vào kết quả kiểm tra của mẹ tôi. Gương mặt đầy nghi hoặc: “Cũng chẳng có vấn đề gì lớn… Các chỉ số đều tốt, thậm chí còn khá khỏe mạnh.”
Tôi lập tức trợn mắt, làm ra vẻ sững sờ ngay trước mặt toàn bộ bác sĩ và y tá trong phòng: “Bác sĩ, ý anh là mẹ tôi… giả bệnh đúng không?”
Bị tiếng nói lớn của tôi dọa đến giật mình, bác sĩ lắp bắp đáp lại: “À… cái này cũng không thể loại trừ… nói chung tình huống khá… phức tạp.”
Vừa nghe xong những lời đó, tôi như cơn gió lao thẳng về phòng bệnh. Lúc đó, quanh giường bệnh của mẹ tôi vẫn còn mấy cô bác hàng xóm đang ân cần hỏi han.
Tôi thở hồng hộc vịn lấy khung cửa, môi run lên rồi bật khóc: “Mẹ ơi, rốt cuộc mẹ còn muốn thế nào nữa? Bác sĩ nói mẹ giả bệnh đấy ạ!”
Trong ánh mắt sững sờ của mọi người, tôi rút tờ kết quả kiểm tra phát cho từng người đứng đó:
“Các bác nhìn đi, bác sĩ nói mẹ cháu hoàn toàn khỏe mạnh. Thậm chí còn khỏe hơn cháu nữa.”
“Bác sĩ còn nói mẹ cháu chẳng có bệnh gì cả, chỉ là cố tình giày vò cháu mà thôi!”
“Hu hu hu, cháu thật sự chịu hết nổi rồi…”
Tôi ngồi bệt xuống chiếc giường trống bên cạnh, vừa khóc vừa kể lể bao năm nay mẹ tôi đã hành tôi khốn khổ như thế nào.
Mẹ tôi mặt mày tái xám, nằm trên giường run rẩy từng đợt.
Mà hàng xóm thì vừa chuyền tay nhau xem kết quả kiểm tra, vừa thì thầm rì rầm:
“Người làm mẹ mà nhẫn tâm vậy sao… Con bé Nhạc Nhạc từ nhỏ đã ngoan ngoãn như vậy mà.”
“Tôi nhớ hồi nhỏ con bé còn phải nhập ICU mấy lần, chắc cũng là do mẹ nó gây ra đấy.”
Từng lời, từng câu như đinh đóng cột. Đập tan hình tượng ‘người mẹ mẫu mực’ mà mẹ tôi dày công xây dựng suốt bao năm qua.
Từ sau hôm đó, ở cái khu này. Mẹ tôi chính thức mang danh ‘người mẹ điên’. Tôi đứng sau lưng bà, nơi người ngoài không ai thấy mà khẽ nở một nụ cười lạnh lẽo.
Mẹ tôi run rẩy ngồi dậy, đưa ngón tay chỉ về phía tôi mà môi mấp máy: “Mày… mày cút đi cho tao…”
Tôi lập tức bước tới nhẹ nhàng nắm lấy tay bà, dù nước mắt vẫn đọng trên khóe mắt nhưng tôi vẫn cười tươi rói và nói những lời đầy tình cảm: “Mẹ à, mẹ yên tâm đi! Con sẽ chăm sóc mẹ chu đáo, và sẽ nuôi mẹ lúc tuổi già mà.”
Đón lấy ánh mắt như muốn ăn tươi nuốt sống của bà. Tôi cúi người càng sau, dịu dàng thủ thỉ bên tai: “Mẹ thấy sao? Cảm giác bị kiểm soát… có dễ chịu không?”
Mắt bà trợn to, môi run run mà không nói nổi một chữ rồi ngất đi. Đúng lúc ấy, một mùi khai nồng khó tả từ chăn bà bốc lên.
Một bác gái hàng xóm hốt hoảng kêu lên: “Nhạc Nhạc, mau gọi bác sĩ đi. Mẹ cháu… tè dầm rồi kìa!”
Y tá và bác sĩ nghe vậy thì ào ào kéo vào, vội vã đẩy mẹ tôi đi cấp cứu.
17.
Mẹ tôi bị đột quỵ dẫn đến liệt nửa người, giờ chỉ còn một bên cơ thể cử động được. Miệng vừa há ra là nước dãi trào ra không kiểm soát.
Bà nằm liệt ở nhà, do bố tôi chăm sóc ngày đêm. Nhưng chưa đầy một tháng, ông đã sụp đổ mà liên tục gọi điện cầu cứu tôi.
Tôi nhìn và thẳng tay chặn số ông, đồng thời chuyển hộ khẩu ra khỏi nhà. Tại nơi tôi làm việc, tôi đã vay tiền để đặt cọc mua một căn hộ nhỏ… Từ đó, tôi cũng có một ngôi nhà thực sự của riêng mình.
Còn mẹ tôi, hàng tháng tôi vẫn gửi đều đặn 500 tệ tiền sinh hoạt. Không hơn không kém, đúng bằng số tiền bà từng cho tôi năm xưa.
Về sau, tôi nghe bạn cũ kể lại. Từ sau khi bị liệt, mẹ tôi như biến thành một người khác. Ban đêm bà thường hét loạn lên không lý do, cầm bát đũa gõ vào cửa sổ hoặc vứt rác tung tóe khắp hành lang chung cư.
Bố tôi thì suốt ngày bị bên khu phố gọi về dọn dẹp hậu quả, đến mức mất luôn cả việc. Giờ hai người chỉ còn sống lay lắt nhờ vào khoản tiền lương hưu ít ỏi.
Bạn tôi sau khi kể thì ngập ngừng hỏi: “Giờ cậu đang phát triển ở đâu? Thật sự không về nhìn một lần sao?”
Im lặng một lúc, tôi mới chậm rãi mở lời: “Nơi đó đã chẳng còn là nhà tôi từ lâu rồi. Và tôi cũng không nợ họ điều gì cả.”
–------------
Suốt nhiều năm sau đó, tôi từng trăn trở với một câu hỏi: “Công ơn sinh thành, nuôi dưỡng… Có cần phải trả hay không?”
Cho đến gần đây, khi đọc được một bức thư mà Hồ Thích viết cho con trai mình. Tôi mới hiểu ra:
“Việc nuôi dưỡng con không phải là ân nghĩa, chỉ là bản năng sinh học do huyết thống tạo thành.”
“Vì thế, nếu đã không dùng tình yêu thương mà chăm sóc thì con cái cũng chẳng cần phải báo đáp lại tình thân.”
“Ngược lại… Là cha mẹ, chúng ta phải cảm ơn vì những đứa con đã sinh ra đời. Vì có sự tham dự của những đứa nhỏ đó, đã khiến cuộc đời của chúng ta trở nên trọn vẹn hơn.”
… Đây là lời tự nhủ với chính mình.
–----Hết------
Hãy là người bình luận đầu tiên
Nguyệt Truyện hoan nghênh các tác giả, dịch giả, nhóm dịch và các fanpage đăng truyện lên website của chúng tôi. Mọi chi tiết về nhuận bút, kiếm tiền và các thỏa thuận khác vui lòng nhắn tin trực tiếp đếnfanpage Facebook Nguyệt Truyệnhoặc email nguyettruyennet@gmail.com